Trong giai đoạn 2017-2019, thị trường ô tô Việt Nam đã có nhiều biến động xuất phát từ sự thay đổi của các nghị định chính phủ và thị hiếu của khách hàng Việt. Hãy cùng Mua Xe Giá Tốt nhìn lại những sự kiện và điểm nhấn nổi bật trong 3 năm vừa qua.
Thị trường ô tô năm 2017 – Hỗn loạn giá bán
Năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam rất hỗn loạn về giá bán khi chính phủ Việt Nam kí kết hiệp ước sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về mức 0%. Hiệp ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 và áp dụng cho những mẫu xe đạt đủ tiêu chuẩn nội địa hóa.
Do đó rất nhiều hãng xe đã chuẩn bị đón đầu quy định mới bằng cách ra mắt thế hệ mới hay đón lô hàng mới không phải chịu thuế. Bên cạnh đó, khách hàng Việt cũng không vội mua xe mà chờ đến năm 2018 để giá xe ô tô có thể giảm mạnh.
Cũng chính vì người tiêu dùng có tâm lý chờ sang năm 2018 mới mua xe nên hàng tồn kho của các hãng còn rất nhiều. Để khắc phục tình hình, các đại lý đã tung ra hàng loạt các chương trình giảm giá sâu, tặng quà để hấp dẫn khách hàng.
Thời điểm đầu, thấy chương trình giảm giá không ăn thua. Các đại lý thực hiện chiến thuật giảm giá liên tục khiến thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn về giá. Nhiều mẫu xe ô tô chỉ trong một tháng đã thay đổi giá đến 4-5 lần khiến khách hàng cảm thấy rất hoang mang, không dám xuống tiền. Bởi vì tâm lý sợ vừa mua xong thì sang tuần giá lại giảm.
Việc cả 2 bên (đại lý và người mua) cứ liên tục giằng co qua lại đã khiến thị trường ô tô Việt nam sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến hết tháng 12/2017, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 272.750 xe, giảm 10% so với năm 2016 (304.427 xe).
Thị trường ô tô năm 2018 – Đại lý và khách hàng “vỡ mộng”
Bước sang năm 2018, tâm lý của ai cũng đều phấn khởi để đón nhận những lô xe nhập khẩu hưởng mức thuế 0%. Tuy nhiên, đại lý lẫn khách hàng đều phải “vỡ mộng” khi chính phủ ban hành Nghị định 116 ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1-2018.
Nghị định 116 đã khiến độ khó của yêu cầu về thủ tục giấy tờ nhập khẩu tăng lên rất nhiều. Theo đó, nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp khi nhập khẩu xe phải xuất trình các giấy tờ chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại.
Điều khó khăn là các giấy tờ yêu cầu trên phải được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài. Trong khi các nước sản xuất ô tô trên thế giới không có tiền lệ cấp giấy chứng nhận kể trên cho các nước nhập khẩu.
Từ đó dẫn đến hàng loạt mẫu xe nhập khẩu đã không thể cập bến Việt Nam. Kéo theo đó là sự đóng băng của cả thị trường ô tô nửa đầu năm 2018. Phải đến giai đoạn gần cuối năm, thị trường xe nhập khẩu mới có dấu hiệu khởi sắc.
Kể từ tháng 9, lượng xe nhập khẩu bỗng ồ ạt cập bến nước ta. Liên tục trong 3 tháng (tháng 9, 10, 11) số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt, đạt trên 10.000 xe theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.
Thị trường ô tô năm 2019
Sau những bước chạy đà thành công ở giai đoạn cuối năm 2018. Ngay từ những tháng đầu năm 2019, lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục tràn về Việt Nam với số lượng lớn. Đó là nhờ các giấy tờ đã được chính phủ các nước hỗ trợ, điển hình như Thái Lan và Indonesia.
Những dòng xe sang từ trường Châu Âu không được may mắn như vậy nhưng nhìn chung, thị trường ô tô đã sôi động trở lại.
Tính đến tháng 11/2019, lượng xe ô tô nhập khẩu về nước ta đạt 133.696 xe tăng 95,6% so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn hơn, đồng thời hưởng được mức giá tốt nhất khi mua xe.
Năm 2019 cũng là năm không mấy vui vẻ đối với phân khúc xe bán tải khi chính phủ ban hành Nghị định số 20/2019/NĐ-CP từ ngày 10/4/2019. Theo đó, cách tính lệ phí trước bạ đã bị thay đổi, từ mức 2% giá trị xe thành 60% mức thu xe con, tăng 3 lần so với trước.
Việc thay đổi cách tính lệ phí trước bạ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của dòng xe bán tải vốn đang được ưa chuộng. Hiển nhiên, doanh số chung của các mẫu bán tải đều có dấu hiệu chững lại. Bởi từ khi thực hiện nghị định, khách hàng phải bỏ ra thêm số tiền chênh lệch từ 20 – 50 triệu đồng tùy vào mẫu xe.
Cũng trong năm 2019, những chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt – VinFast cũng đã chính thức được trình làng với 3 dòng xe Fadil, Lux A2.0, Lux SA 2.0 và sắp tới là VF3, VFe34, VF5, VF6, VF7, VF8, VF9. Sự xuất hiện này đã khiến thị trường ô tô càng thêm sôi động.
Rất nhiều chính sách ưu đãi đã được VinFast tung ra giúp khách hàng có cơ hội sở hữu một chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam. Dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh giá bán, định vị sản phẩm nhưng rõ ràng, VinFast đã giúp cả dân tộc Việt Nam cảm thấy tự hào trước bạn bè quốc tế.
Thị trường ô tô năm 2020
Bước sang năm 2020, khách hàng Việt đã nhận ngay tin vui trong những tháng đầu năm. Cụ thể vào ngày 12/2-2020, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức được ký kết và thông qua sau 9 năm đàm phán.
Theo lộ trình 10 năm, 98,3% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm, 1.7% còn lại sẽ được xoá khi áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Điều này đồng nghĩa trong thời gian tới, khách hàng Việt có thể sở hữu những chiếc xe nhập khẩu từ Châu Âu với mức giá “mềm” hơn. Đặc biệt, những mẫu xe có giá trị càng lớn, mức ưu đãi nhận được tương ứng sẽ càng lớn.
Hiệp định EVFTA cũng mở ra thêm cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu ô tô từ Việt Nam sang châu Âu. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội cũng là những thách thức cực lớn để có thể đạt đủ điều kiện kiểm định về chất lượng từ phía thị trường Châu Âu.
Ngày 22/3-2020 sắp tới, chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP. Nội dung chính của nghị định này chính là loại bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) trong Nghị định 116 cũ.
Đây có thể nói là tin vui cực lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu bởi các yêu cầu về giấy tờ sẽ được đơn giản hóa. Điều này giúp cho khách hàng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận xe nhập khẩu.
Qua đó tạo ra sân chơi công bằng giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước phải nâng cao chất lượng để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh.