Mitsubishi Outlander cho thấy sự dịch chuyển về chiến lược cạnh tranh của hãng xe Nhật từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam, giúp cho giá xe giảm đánh kể nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt là với phân khúc Crossover đang nổi lên trong thời gian gần đây.
Nhằm đáp lại sức nóng từ thị trường, hãng Nissan cũng nâng cấp cho mẫu Crossover Nissan X-trail gói trang bị Premium cao cấp, bổ sung thêm bản giới hạn LE (Limited Editon) với mức giá bán hấp dẫn hơn.
Giá bán
- Mitsubishi Outlander 2.0 CVT: 823.000.000 VNĐ
- Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium: 942.000.000 VNĐ
- Mitsubishi Outlander 2.4 CVT Premium 1.100.000.000 VNĐ
- X-TRAIL 2.0 2WD/ LE/ Premium: 878.000.000 VNĐ
- X-TRAIL 2.0 SL 2WD/ Premium: 943.000.000 VNĐ
- X-TRAIL 2.5SV 4WD/ Premium: 1.013.000.000 VNĐ
Có thể thấy với mặt bằng giá mới, cả hai mẫu xe đều so kè nhau rất quyết liệt.
Thiết kế
Mitsubishi Outlander sở hữu kích thước tổng thể 4695 x 1810 x 1710 mm, so với thông số 4640 x 1820 x 1715 mm của X-trail, ngoài chiều dài có phần chiếm ưu thế thì chiếc xe của Mitsubishi gần như tương đương đối thủ của mình.
Outlander theo đuổi thiết kế Dynamic Shield với những đường nét cá tính mạnh mẽ, tiêu biểu như lưới tản nhiệt với hai thanh kim loại mạ crom tích hợp ngôi sao ba cánh – biểu tượng của Mitsubishi, liền mạch với cụm đèn trước đầy góc cạnh. Hốc gió cỡ lớn, hầm hố, sơn tối màu, viền hai bên, kết nối với đèn sương mù hình thoi độc đáo.
Ngược lại, Nissan X-Trail toát lên sự thanh lịch và trẻ trung, năng động. Thiết kế V mạ crom đặc trưng, đặt nổi trên lưới tản nhiệt không khác gì hốc gió cỡ nhỏ, liền mạch với cụm đèn trước vát góc cạnh như một viên kim cương. Hốc gió và đèn sương mù phía dưới cũng hiền hoà hơn đối thủ.
Gầm xe Outlander cao đến 190mm, song vẫn chưa ấn tượng bằng X-trail, xe cao đến 210 mm, cảm giác khi xe vượt địa hình khoẻ khoắn và tự tin hơn mặc dù đối thủ SUV có vẻ khá phù hợp với tổng thể dài, gầm thấp. Bộ lazang mỗi xe mỗi vẻ nhưng đều rât đẹp mắt và cá tính, riêng Outlander có thêm đường nẹp sườn xe nổi bật hơn hẳn.
Trong khi phần đuôi xe X-Trail góc cạnh, hầm hố với những đường dập nổi đan xen nhau thì Outlander trung tính và đĩnh đạc, cản sau tạo hình vuông vắn, bề thế, cụm đèn hậu sắc nét hơn. Cả hai xe đều dùng ăng-ten dạng cột thay vì kiểu vây cá đang khá phổ biến hiện nay.
Ngoại thất
Hai xe đều trang bị dải LED chiếu sáng ban ngày, cụm đèn trước dạng LED tiên tiến nhưng công nghệ có chút khác biệt : Outlander sử dụng bóng chiếu để hội tụ nguồn sáng tốt hơn, tích hợp tự động bật/ tắt và rửa đèn pha còn X-trail thì tự động điều chỉnh góc chiếu.
Outlander trang bị gạt mưa tự động cảm biến bật/ tắt còn X-trail thì phụ thuộc vào tốc độ, có đồng bộ với gạt mưa sau. Ngoài ra, những điểm tương đồng còn lại phải kể đến là dải LED chiếu sáng ban ngày.
Cả Outlander và X-Trail đều trang bị gương chiếu hậu chỉnh điện, gập điện, tích hợp báo rẽ và sấy gương hiện đại, đảm bảo tầm nhìn tốt cho người lái khi di chuyển sau mưa hoặc nơi có độ ẩm cao.
Một điểm chung khác nữa đó là hai xe đều sử dụng Full-LED cho các chi tiết đèn phía sau, cùng với thanh baga trang trí nóc nhằm hoàn thiện thêm vẻ ngoài thể thao của mình bên cạnh khả năng chở thêm các đồ đạc cồng kềnh mà khoang chứa đồ không thể đáp ứng được. X-trail còn hỗ trợ sấy kính sau tiện lợi cho người lái.
Cả hai xe đều có 5 màu ngoại thất song có đôi chút khác biệt: Outlander có màu Đỏ, Đen, Trắng, Nâu và Xám trong khi X-trail là màu Cam, Xanh o liu, Đen, Trắng và Bạc.
Nội thất
Mặc dù về tổng thể dài hơn với thiết kế xe Oto Crossover 7 chỗ tiêu chuẩn, Outlander lại có phần chật chội với với chiều dài cơ sở chỉ là 2670 mm, so với con số 2705 mm của X-trail – mẫu xe thiết kế ghế ngồi theo kiểu 5+2. Bù lại cửa sổ trời giúp cho mẫu xe Mitsubishi thông thoáng và hiện đại hơn.
Khoang hành khách của mẫu Crossover Nissan khá rộng, khoảng cách giữa hai hàng ghế để chân thoải mái hơn mẫu xe đối thủ. Ngoài ra, điểm cộng của hai xe là đều thiết kế với cửa sổ trời phía trên, giúp cho hành khách dễ dàng kết nối với môi trường xung quanh với thao tác đơn giản.
Hai xe đều trang bị tay lái tạo hình 3 chấu, bọc da, bố trí nút bấm điều khiển âm thanh, nhận cuộc gọi điện thoại từ smartphone, riêng X-trail cho chỉnh 4 hướng linh hoạt và tích hợp tính năng điều khiển bằng giọng nói, gương chiếu hậu của xe cũng hỗ trợ chống chói tự động, giúp người lái tập tủng hơn khi chạy xe trong điều kiện ánh sáng yếu.
Hàng ghế trước đều hỗ trợ chỉnh điện tiện lợi, trong khi các bản X-trail sử dụng hoàn toàn là chất liệu da nội thất thì một số bản Outlander vẫn trung thành với vải nỉ truyền thống.
Hàng ghế thứ hai của Xtrail có thể gập theo tỉ lệ 40:20:40, còn hàng ghế cuối gập 50:50 linh hoạt, có thể mở rộng khi cần chứa thêm đồ. Ngoài ra, cả hai xe đều bố trí các hộc đựng đồ tiện lợi ở một số vị trí như táp lô, cửa xe và bệ tì tay.
Tiện nghi
Hai mẫu xe cũng lắp đặt dàn điều hoà tự động hai vùng độc lập, X-trail tự tin hơn với bộ lọc gió, giúp không khí bớt mùi lạ khi vận hành, cùng với các cửa gió thông ra hàng ghế phía sau, giúp xe đạt được nhiệt độ dễ chịu một cách nhanh chóng, luồng gió lưu thông hài hoà, thoáng mát.
Dàn âm thanh của Outlander nổi bật với đầu DVD và màn hình cảm ứng trong khi X-trail sở hữu màn hình màu 6.5 inch tích hợp hệ điều hành android hiện đại, thao tác dễ sử dụng, tích hợp 2 cổng sạc điện cho các thiết bị điện tử và hệ thống định vị dẫn đường tiện lợi. Cả hai xe đều hỗ trợ kết nối USB/ AUX.
Cả hai đều trang bị chìa khoá thông minh với khả năng cảm biến đóng mở cửa sau xe tự động khi nằm trong vùng nhận diện, cũng như thao tác khởi động bằng nút bấm mang lại nhiều hứng khởi khi bắt đầu hành trình.
Vận hành
Xe 7 chỗ Outlander cung cấp cho người mua 2 mẫu động cơ với dung tích khác nhau: bản 2.0 lít sản sinh 143 mã lực và 196 Nm trong khi bản 2.4 lít cho 165 mã lực và 222 Nm. Trong khi đó, X-trail cũng có mức dung tích xấp xỉ: bản 2.0 lít cho 142 mã lực và 200Nm, bản 2.5 lít cho 168 mã lực và 233 Nm, không khác biệt nhiều so với đối thủ.
Cả hai mẫu xe đều trang bị kiểu hộp số tự động vô cấp CVT khá phổ biến ở các mẫu xe Nhật Bản. Outlander nổi bật hơn khi trang bị thêm chế độ lái thể thao và lẫy chuyển số chủ động. Cả hai đều sử dụng chung kiểu trợ lực điện đang phổ biến hiện nay cũng như tính năng ga tự động tiện dụng khi chạy xe đường trường.
Hệ thống giảm xóc cũng cho thấy sự tương đồng của hai mẫu xe: bánh trước thiết kế dạng độc lập, kiểu MacPherson còn bánh treo sau là đa liên kết, riêng Outlander còn được gia cố bằng các thanh cân bằng trước sau nhằm tăng sự ổn định và chắc chắn cho dàn khung.
Cơ cấu truyền động của hai xe cũng hỗ trợ kiểu hai cầu chủ động toàn thời gian bên cạnh dẫn động 2 bánh đơn thuần, giúp người lái tự tin hơn khi chạy xe trong điều kiện thời tiết xấu, mặt đường offroad.
Trải nghiệm thực tế cũng cho thấy cảm giác lái của hai xe không khác biệt nhiều, do tương đồng về sức mạnh động cơ cho đến cách chế tạo hộp số và cả cảm giác đánh lái trợ lực điện, nếu có khác biệt thì chỉ đến khi đạt tốc độ cao thì bộ khung nặng, gầm thấp với dáng xe dài giúp cho Outlander chắc tay lái hơn đối thủ. Ngược lại, X-trail thể hiện sự linh hoạt hơn trong những tình huống di chuyển ngắn, địa hình phức tạp, nhiều khúc cua.
Thùng nhiên liệu của Outlander có dung tích 63 lít, nhiều hơn đôi chút so với thùng 60 lít của X-trail, chiếc Crossover này cũng được tích hợp chế độ lái ECO tiết kiệm nhiên liệu.
Outlander trang bị lốp 225/55R18, mỏng hơn cỡ 225/60R18 của Xtrail. Ngoài ra chiếc xe của Nissan còn có thêm một tuỳ chọn 225/65R17 dày dạn và giảm xóc khá tốt, xe chạy êm trên mặt đường gồ ghề.
An toàn
Tính năng an toàn của hai xe có một số điểm khác biệt cơ bản: Outlander trang bị phanh trước dạng đĩa thông gió, phanh sau đĩa đặc còn X-trail sử dụng hoàn toàn là đĩa đặc.
Ngoài ra, ở bản Outlander cao cấp, xe trang bị đến 7 túi khí, hệ thống cân bằng điện tử, phanh tay điện tử và hệ thống kiểm soát chân ga khi phanh.
Trong khi đó, X-trail đầu tư đáng kể hơn, xe tích hợp hệ thống phanh chủ động hạn chế trượt, kiểm soát độ bám đường và cân bằng động. Đặc biệt là hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động bao gồm kiểm soát đánh lái, kiểm soát phanh động cơ và kiểm soát vào cua.
Chiếc Crossover còn có tính năng kiểm soát đổ đèo, camera 360 độ quan sát xung quanh dễ dàng, 6 túi khí và khoá an toàn cho trẻ em ở hàng ghế sau.
Cả hai đều trang bị chống bó cứng phanh, phân phối lực phanh điện tử, trợ lực phanh khẩn cấp, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi, dây đai an toàn tích hợp căng đai tự động,
Người dùng đánh giá
Anh Tân (Bình Chánh): “Sau khi cân nhắc các mẫu SUV trong tầm tiền, tôi chọn Outlander vì xe lắp ráp trong nước nhưng lái thử cảm giác rất tốt, đằm tay, máy chạy êm, số vô cấp chuyển cũng mượt mà, dễ chịu”
Anh Tính (Quận 2): “X-Trail trẻ trung, năng động nên tôi “kết” ngay từ cái nhìn đầu tiên. Xe lốp dày, gầm cao, nhỏ gọn nên đi lại trong thành phố rất linh hoạt.”
Kết luận
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về khả năng vận hành cũng như một số trang bị, Outlander vẫn nổi bật với thiết kế mạnh mẽ, hầm hố trong khi X-trail thanh thoát và trẻ trung hơn với nhiều tính năng an toàn hiện đại. Với mức giá bán không quá chênh lệch, cả hai đều cần phải lái thử để cảm nhận nhiều hơn trước khi ra quyết định chọn mua phù hợp.