Tham gia thị trường Việt Nam từ những năm 90 và rất nỗ lực tạo dựng tên tuổi nhưng con đường thành công của General Motor (GM) Việt Nam vẫn khá gian nan so với người đồng hương Ford, hiếm khi GM có xe đạt top doanh số như những gì hãng xe này làm được ở quê nhà hay tại nhiều thị trường khác.
Thời hoàng kim của GM tại Việt Nam
GM “từng làm mưa làm gió” một thời khi gặt hái được nhiều thành tích đáng nể, được người dùng đánh giá cao với các dòng sản phẩm mới như: Matiz, Captiva, Spark,… Ngoài ra hãng còn được bộ thương mại trao tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xuất khẩu năm 2001. Giành được giải thưởng “sản phẩm có giá cạnh tranh nhất được người tiêu dùng ưa chuộng” vào năm 2002.
Đánh dấu cho sự phát triển của Chevrolet ở Việt Nam là sự ra đời của Chevrolet Cruze vào năm 2010. Theo tuyên bố của GM, dòng xe này sẽ trực tiếp cạnh tranh với Honda Civic, xe Toyota Altis và Ford Focus, những mẫu xe rất “hot” trên thị trường lúc bấy giờ.
Chẳng bao lâu sau khi ra đời, Cruze đã leo lên vị trí số 1 trong dòng xe sedan hạng C đồng thời tăng sức cạnh tranh của thương hiệu Chevrolet ở phân khúc vốn không phải là thế mạnh của mình.
Ngay từ lúc sản xuất những chiếc xe đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại, những mẫu xe của Chevrolet nói chung và Cruze nói riêng đều có lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ khác trên thị trường nhờ mức giá bán thấp nhất phân khúc, phù hợp với đa số người dùng tại Việt Nam. Ví dụ giá bán của xe Chevrolet Cruze số sàn chỉ ngang ngửa với giá bán xe Vios của Toyota. Đây được coi là ưu điểm lớn nhất bởi lẽ, trước đây, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, việc mua một chiếc ô tô là điều không hề đơn giản.
Cruze nổi tiếng với ngoại hình đẹp mắt, ấn tượng và khó lỗi mốt với thiết kế trung tính. Xe có hình hài với phong cách hiện đại đậm chất Âu châu chứ không mang hơi hướng cổ điển kiểu Á Đông thông dụng.
Được đánh giá cao về khoang nội thất với mức tiện nghi cao, Chevrolet Cruze một lần nữa chinh phục người dùng bởi những trải nghiệm đẳng cấp. Không chỉ vậy, xe còn mang đến cảm giác lái êm ái với khối động cơ mạnh mẽ, vô lăng phản ứng nhanh và khi ôm cua tài xế sẽ cảm thấy đằm tay hơn.
Nguyên nhân nào làm cho Chevrolet ngày càng xuống dốc?
Theo thống kê, tổng sản lượng bán hàng của GM Việt Nam 4 tháng đầu năm 2016 đạt 2.821 chiếc, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 3,6% thị phần do 22 thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chi phối. Tuy vậy những năm gần đây, vị thế của Chevrolet không còn được như trước bởi niềm tin của người dùng Việt Nam về hãng xe này đã vơi đi ít nhiều.
Văn hóa và tâm lý người dùng luôn là yếu tố quyết định sự sống còn của một thương hiệu. Bản chất Chevrolet khó vượt qua được Toyota để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu cũng bởi một phần người Việt nghĩ rằng GM Việt gốc là Daewoo Hàn Quốc– một thương hiệu không thể chiến thắng nổi “đế chế” hùng hậu và lâu đời như Toyota.
Năm 2014, 912 chiếc Chevrolet Spark đời mới buộc phải thu hồi để sửa chữa vì lỗi kỹ thuật ở hộp số. Với 228 xe thuộc số loại KL1M-MHA12/1AA5 và 624 xe thuộc số loại 1CS48 động cơ LMT bị khiếu nại đã một lần nữa làm cho hình ảnh của Chevrolet ngày càng “lu mờ” đi trong suy nghĩ người Việt vì mất niềm tin.
Ngoài ra, người dùng còn đánh giá các xe thương hiệu Chevrolet “ngốn” nhiều nhiên liệu nhất so với các đối thủ khác cùng phân khúc. Không chỉ vậy nếu xét về góc cạnh kinh tế, hãng xe Mỹ làm chủ nhân lo ngại vì khó giữ giá, tính thanh khoản thấp cùng chi phí bảo dưỡng cao.
Không đẩy mạnh chiến lược truyền thông cũng là một trong những yếu tố hạn chế khả năng nhận diện thương hiệu của Chevrolet. Trong khi thị trường xe sedan Việt Nam đang được khuấy động bởi các dòng xe Nhật Bản thì ngược lại Chevrolet lại khá “im hơi lặng tiếng” dù đã có nhiều người biết đến.
Chưa thật sự thấu hiểu khách hàng là một điểm trừ lớn đáng nói đến của Chevrolet. Nếu Mazda và Toyota chăm sóc khách hàng chu đáo nhờ các dịch vụ đi kèm thì hệ thống của Chevrolet lại đang “lúng túng” không biết nên xoay sở thế nào.
Cụ thể, Vina Mazda đã đầu tư xây dựng hệ thống 23 showroom – xưởng dịch vụ trên toàn quốc theo tiêu chuẩn 3S của tập đoàn Mazda Motor Nhật Bản. Miễn phí tiền công kiểm tra xe, tiền công thay nhớt máy, lọc nhớt, lọc gió; giảm giá 30% nhớt máy chính hãng, giảm giá 10% phụ tùng bảo dưỡng chính hãng (chổi gạt mưa, các loại lọc, bugi, dây curoa) và quà tặng cho khách hàng tham gia.
Đi đầu là Toyota với hơn 30 đại lý và chạm ủy quyền trên cả nước, hãng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc bảo dưỡng và sửa chữa cho chiếc xe của mình. Thêm vào đó tất cả các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Toyota hiện đều sử dụng chung phần mềm quản lý về thông tin khách hàng, tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy chuẩn của Toyota toàn cầu nhằm đảm bảo cho xe của khách hàng luôn trong trạng thái hoạt động tốt.
Lời kết
Chevrolet không hẳn mất đi hoàn toàn cơ hội phát triển tại Việt Nam nhưng điều cần thiết nhất có lẽ vẫn là chiến lược phù hợp từ những người đứng đầu. Bởi lẽ để cạnh tranh trong môi trường khốc liệt ở giai đoạn hiện giờ- khi mà hai đối thủ nặng ký là Nhật và Hàn đã thành thạo “luật chơi” thì ắt rằng Chevrolet phải có những tính toán mang tính đột phá hơn trong tương lai mới có thể giành thắng lợi.
> Tham khảo: Bảng giá xe ô tô điện Vinfast