Ford và Toyota là hai thương hiệu xe hơi có tiếng vang trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, nếu xét về độ bền cùng khả năng giữ giá thì xe Mỹ chưa phải là đối thủ của Nhật trên tất cả các thị trường.
Không phải đơn giản mà xe của Toyota đã bán ra hơn nửa triệu chiếc tại thị trường Việt trong suốt 20 năm qua. Với doanh số bán đứng đầu cùng những mẫu xe ồ ạt chiếm lĩnh phân khúc, Toyota đủ chứng minh được tính bền bỉ và giữ giá vốn đã trở thành giá trị cốt lõi của công ty.
Vậy ngoài độ bền bỉ thì đâu là lý do khiến xe Nhật luôn đạt được vị trí số 1 về khả năng giữ giá? Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ giúp bạn có được cái nhìn khách quan và rõ ràng hơn!
Dịch vụ sau bán hàng của Toyota cực tốt
Là thương hiệu xuất hiện và nghiên cứu thị trường Việt Nam từ rất sớm, Toyota đã có được bề dày kinh nghiệm cũng như quãng đường dài để xây dựng tên tuổi.
Song song với đó, ban lãnh đạo của Toyota cũng liên tục tạo dựng mạng lưới dày đặc các showroom, đại lý nhằm đáp ứng ngay lập tức nhu cầu chăm sóc, bảo dưỡng xe của khách.
Điểm cộng lớn nhất mà Toyota có được là sự quản lý chuyên nghiệp, quy chuẩn, chặt chẽ ở từng đại lý, cơ sở giúp khách hàng luôn thiện cảm với dịch vụ của công ty. Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, tận tâm khiến người mua luôn hài lòng và muốn quay lại.
Bên cạnh đó, mạng lưới Toyota dày đặc, phủ sóng toàn quốc còn khiến người mua yên tâm khi đi đến đâu cũng có cơ sở bán hàng, sửa chữa. Các phụ kiện, linh kiện cũng dễ dàng thay thế, lắp ráp giúp tiết kiệm thời gian của người dùng.
Trong khi đó, Ford lại chưa thật sự làm tốt điều này khi chính sách hậu mãi của xe không làm tốt như Toyota. Với Ford, họ coi một sản phẩm thành công là khi chúng vận hành trơn tru, hiệu quả cho đến khi hết thời gian bảo hành chính hãng.
Quá trình sau đó là vấn đề của người dùng phải đối mặt, chính vì vậy ít nhiều khiến cảm nhận khách hàng về thương hiệu này không thật sự tốt dù những mẫu xe như Ford Everest, xe Ford Ranger tại thời điểm hiện tại đều là những cái tên rất đáng mua.
Toyota rất chú trọng tính chính xác khi sản xuất động cơ
Những chiếc xe được sản xuất kỹ lưỡng từ thương hiệu Toyota cũng phần nào phản ánh tính cách kỹ lưỡng, cầu toàn của người Nhật. Dây chuyền sản xuất ra những chiếc xe Toyota có tính chính xác cực cao về yêu cầu kỹ thuật.
Một ví dụ kỹ thuật thực tế cho rằng, Toyota chỉ cho phép mức dung sai đặt ra trong động cơ của họ là 1/100 milimet, dễ hiểu hơn là độ sai sót chỉ bằng 1/10 sợi tóc con người. Và ngay khi có hơn 2 xe trong quá trình sản xuất gặp trục trặc họ sẽ ngay lập tức ngừng toàn bộ quá trình hoạt động có liên quan của nhà máy và tiến hành kiểm tra.
Trong khi đó, Ford lại có những tiêu chuẩn riêng khi điều chỉnh mức dung sai cao hơn rất nhiều so với Toyota. Mức sai sót Ford đặt ra là 1/100 inch và khi có lỗi trong quá trình sản xuất, họ sẽ bỏ chúng sang một bên để kiểm tra.
Điều này có nghĩa là toàn bộ dây chuyền vẫn phải làm việc tiếp để cho ra những chiếc xe khác. Dĩ nhiên Ford vẫn bán những chiếc xe mà họ biết trước đó nó đã có vấn đề, ngoại trừ các nguyên tắc về việc đảm bảo an toàn, còn lại các xe vẫn phải đưa ra thị trường.
Dễ dàng sửa chữa
Ngoài việc mua xe và sử dụng thì phụ tùng, linh kiện đi kèm là một yếu tố rất quan trọng. Mua xe cũng giống như smartphone, nếu quá khó tìm kiếm phụ kiện hay chỗ sửa chữa cũng khiến khách hàng e ngại vì lúc hư không biết phải mang đi đâu.
Ngoài ra, những chiếc xe bền bỉ theo kiểu “nồi đồng cối đá” của Toyota lại có cấu tạo khá đơn giản giúp việc tìm kiếm thợ lành nghề sửa xe cũng dễ hơn. Mức độ phổ biến về kỹ thuật của xe khá cao nên các tay thợ bên ngoài cũng có thể dễ dàng xử lý được.
Trong khi đó cấu tạo của những chiếc Ford lại hoạt động khá phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao. Đặc biệt với những mẫu xe có hộp số nhiều cấp như Ford Everest hay cấu hình động cơ là kiểu tăng áp đơn, tăng áp kép như Ford Ranger khiến thợ bên ngoài khó lòng thuần thục.
Chính vì thế cứ mỗi lần sửa xe, người mua lại hoang mang nên buộc phải đem xe vào hãng để tránh rắc rối kỹ thuật về lâu, về dài. Nhiều lần với chi phí cao tạo cho khách hàng cảm giác xe của Ford hư hỏng nhiều, và phải “chăm” xe gây tốn tiền không đáng.
“Không có gì để hỏng”
“Không có gì để hỏng” là những câu nói quá quen thuộc của người dùng Việt khi nhắc đến xe của Toyota. Việc có ít trang bị, options và các tính năng công nghệ hơn so với các đối thủ khác là một trong những yếu tố khiến xe “bền” hơn vì nó không có gì phải sửa.
Đi đôi với đó, việc khách hàng không cần bỏ ra bất kỳ chi phí phát sinh để sửa chữa luôn cho họ cảm giác an toàn vì xe luôn chạy ngon lành và không bao giờ hư hỏng.
Một khách hàng nhận định chiếc Corolla Altis 1.8G 2011 (autopro.com.vn): “Tôi mua chiếc xe này vào năm 2014. Xe chạy lướt, ODO mới hơn 2 vạn. Giá lúc mua là 700 triệu đồng, cộng thêm vài triệu trước bạ, đổi biển số, bảo hiểm… Sau một năm, tôi bán xe đúng với giá bằng lúc mua. ODO lúc này đã chỉ hơn 4 vạn.”
Một khách hàng khác chạy xe Toyota Camry 2004 chia sẻ (autopro.com.vn): “”Ngoài bảo dưỡng định kỳ tại hãng, thay phụ tùng bị lão hoá theo thời gian thì chiếc xe không phát sinh vấn đề gì. Trong 7 năm sử dụng, chiếc xe phục vụ tôi theo đúng nghĩa đen. Nếu chọn xe Đức, giờ tôi sẽ phải chăm lại nó.”
Tham khảo: