Thị trường xe bán tải những năm gần đây rất nhộn nhịp khi kiểu dáng và tiện nghi của những mẫu xe ngày được cải tiến đáng kể. Trong đó, 2 cái tên được nhắc nhiều nhất khi nói đến dòng bán tải chính là Ford Ranger 2.0 Bi Turbo và Toyota Hilux 2.8 G 4×4 AT.
Xe Ford Ranger đang giữ vững danh hiệu “Vua bán tải” của mình trong nhiều năm qua trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của rất nhiều đối thủ khác nhờ chất lượng bảo đảm và động cơ vô cùng bền bỉ. Dù doanh số bán của xe Toyota Hilux chưa thể sánh bằng đối thủ nhưng mẫu xe này đang có đà tăng trưởng tốt bởi đây là sản phẩm của Toyota-hãng xe được hầu hết khách hàng trong nước tin tưởng tuyệt đối.
Giá xe
Giá xe Ford Ranger Wildtrak 2.0L AT 4×4: 918.000.000 đồng
Giá xe Toyota Hilux 2.8 G 4×4 AT: 878.000.000 đồng
Toyota Hilux 2.8 G 4×4 AT đang có lợi thế khi có giá bán rẻ hơn 40 triệu so với đối thủ.
Cập nhật:
> Giá xe Ford Ranger 2024 thế hệ mới
> Giá xe Toyota Hilux 2024 thế hệ mới
Ngoại thất
“Vua bán tải” Ranger 2.0 Bi Turbo sở hữu vẻ ngoài hầm hố cùng kích thước tổng thể lần lượt là 5362 x 1860 x 1830 mm lớn hơn đối thủ Hilux 2.8 G 4×4 AT có kích thước 5330 x 1855 x 1815 mm với kiểu dáng góc cạnh và khỏe khoắn.
Phần đầu của Ranger 2.0 Bi Turbo gây ấn tượng mạnh nhờ bộ lưới tản nhiệt màu đen to bản chiếm phần lớn diện tích. Xe có cụm đèn trước HID Projector với khả năng tự động bật tắt bằng cảm biến ánh sáng kết hợp cùng đèn chạy ban ngày giúp chiếc xe trông nổi bật hơn.
Phần đầu của Hilux 2.8 G 4×4 AT được tạo thành từ những đường cắt dứt khoát với điểm nhấn là phần lưới tản nhiệt hình lục giác được viền sáng bóng. Xe được tích hợp cụm đèn cốt dạng LED thấu kính và đèn pha Halogen phản xạ đa hướng với chức năng điều khiển đèn tự động kết hợp cân bằng góc chiếu tự động.
Cả 2 đối thủ cùng sử dụng bộ mâm 18 inch rất phù hợp với thân hình to lớn. Bên cạnh đó, gương chiếu hậu của Hilux 2.8 G 4×4 AT và Ranger 2.0 Bi Turbo đều có khả năng gập-chỉnh điện tích hợp đèn báo rẽ.
Nổi bật ở phần đuôi xe của Ranger 2.0 Bi Turbo là cụm đèn hậu dạng hình trụ xếp thanh 3 tầng rất độc đáo. Trong khi đó cụm đèn hậu của Hilux 2.8 G 4×4 AT có thiết kế hình tam giác xẻ sang hông với 2 tầng đẹp mắt.
Nội thất
Xe Ford Ranger Wildtrak bản Full 2.0 Bi Turbo có chiều dài cơ sở đạt 3220 mm, “nhỉnh” hơn đối thủ Nhật Bản với là 3085 mm, tuy nhiên Hilux 2.8 G 4×4 AT sẽ di chuyển linh hoạt hơn trong điều kiện địa hình phức tạp.
Ranger 2.0 Bi Turbo và Hilux 2.8 G 4×4 AT đều có tay lái bọc da khá mềm, tuy nhiên, dòng xe Mỹ sử dụng vô lăng 4 chấu còn xe Nhật là loại 3 chấu đa chức năng quen thuộc, được bọc da êm ái. Hilux 2.8 G 4×4 AT chu đáo hơn khi vô lăng có thể chỉnh tay 4 hướng.
Toàn bộ ghế ngồi trên Ranger 2.0 Bi Turbo đều dùng chất liệu da pha nỉ cao cấp nhằm cải thiện cảm giác ngồi của hành khách. Tuy nhiên, Hilux 2.8 G 4×4 AT cho thấy bản thân vượt trội hơn khi tất cả ghế đều được bọc da sang trọng, không những vậy, ghế hành khách phía trước có thể chỉnh tay 4 hướng. Ghế lái của 2 đối thủ đều chăm chút kĩ lưỡng khi được tích hợp chức năng chỉnh điện 8 hướng giúp tài xế điều chỉnh được tư thế ngồi phù hợp.
Tiện nghi trang bị
Khả năng làm mát của Ford Ranger Wildtrak 2.0 Bi Turbo được đánh giá cao hơn nhờ sở hữu hệ thống điều hòa tự động 2 vùng khí hậu hiện đại còn Hilux 2.8 G 4×4 AT chỉ sử dụng điều hòa tự động kết hợp cửa gió sau.
Cả 2 xe cùng được trang bị những tính năng giải trí cơ bản như kết nối Bluetooth, USB, dàn âm thanh 6 loa mang đến những giai điệu sống động.
Hệ thống thông tin giải trí của Ranger 2.0 Bi Turbo làm nhiều khách hàng thích thú nhờ sở hữu nhiều tính năng mới mẻ như: màn hình cảm ứng 8 inch, bản đồ, đầu đĩa CD, AM, FM, iPod, công nghệ giải trí SYNC Gen 3. Hilux 2.8 G 4×4 AT cũng không kém cạnh với đầu DVD, màn hình cảm ứng 7 inch, đàm thoại rảnh tay.
Bên cạnh đó, cả 2 mẫu xe có một số tính năng khác như chìa khóa thông minh, khởi động bằng nút bấm, cửa kính điều khiển điện. Nếu Hilux 2.8 G 4×4 AT có khóa cửa điện và khóa cửa từ xa thì Ranger 2.0 Bi Turbo có bản đồ, hệ thống chống ồn chủ động giúp hạn chế tối đa những tiếng ồn từ bên ngoài.
Vận hành
Dưới nắp capo của Ranger 2.0 Bi Turbo là loại động cơ Bi-Turbo Diesel 2.0L i4 TDCi có khả năng sản sinh công suất cực đại 211 mã lực, mô men xoắn cực đại đạt 500 Nm. Đi kèm với nguồn năng lượng này là hộp số tự động 10 cấp, với cấu hình này, chủ nhân sẽ cảm nhận rõ rệt được sức mạnh thực sự của “Vua bán tải” sau mỗi cú đạp ga.
Xe Toyota Hilux bản Full 2.8 G 4×4 AT yếu thế hơn hẳn đối thủ khi được trang bị khối động cơ 1GD-FTV Diesel 2.8L 4 xy lanh thẳng hàng tạo ra công suất tối đa 174 mã lực, mô men xoắn cực đại 450 Nm kết hợp với hộp số tự động 6 cấp. Tuy không mạnh bằng Ranger 2.0 Bi Turbo nhưng Hilux 2.8 G 4×4 AT vẫn mang đến cho chủ nhân cảm giác lái mượt mà và khỏe khoắn.
Khả năng vận hành của hai mẫu xe được hỗ trợ tối đa nhờ các hệ thống đi kèm, cụ thể Ranger 2.0 Bi Turbo được tích hợp treo trước dạng độc lập, tay đòn kép, lò xo trụ và ống giảm chấn, treo sau dạng nhíp với ống giảm chấn. Phanh trước của xe là dạng đĩa.
Trong khi đó, đối thủ Nhật Bản được trang bị treo trước/sau tay đòn kép/nhíp lá, phanh trước đĩa thông gió. Bên cạnh đó, cả 2 mẫu xe có điểm chung là phanh sau dạng tang trống giúp xe thích ứng nhanh với tốc độ cao.
Nhờ sử dụng tay lái trợ lực điện mà việc đánh lái trên Ranger 2.0 Bi Turbo đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, Hilux 2.8 G 4×4 AT được trang bị tay lái trợ thủy lực giúp cảm giác đánh lái đầm chắc hơn.
Xét về khả năng vượt địa hình, Hilux 2.8 G 4×4 AT đã dành được chiến thắng thuyết phục nhờ có lợi thế gầm cao đến 310 mm trong khi “Vua bán tải” chỉ đạt 200 mm. Độ êm ái của cả 2 mẫu xe khá tương đồng nhau khi cùng có bộ lốp dày có thông số 265/60R18.
An toàn
Hai xe được đánh giá là có khả năng đảm bảo an toàn tốt nhất phân khúc khi tích hợp nhiều hệ thống an toàn như: 6 túi khí, chống bó cứng phanh, phân phối lực phanh điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đỗ đèo.
Ngoài ra, Ranger 2.0 Bi Turbo có cân bằng điện tử, giảm thiểu lật xe, ga tự động, cảm biến trước và sau, kiểm soát xe theo tải trọng, cảnh báo lệch làn và duy trì làn đường, cảnh báo va chạm phía trước, hỗ trợ đỗ xe chủ động song song.
Hilux 2.8 G 4×4 AT cũng không kém cạnh khi sở hữu: hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, kiểm soát lực kéo, ổn định thân xe, camera lùi, khung xe GOA, dây đai an toàn 3 điểm ELR, 5 vị trí, ghế có cấu trúc giảm chấn thương cổ, cột lái tự đổ, bàn đạp phanh tự đổ.
Đánh giá người dùng
- Anh Hưng (quận 2): “Tôi quyết định chọn Ford Ranger 2.0 Bi Turbo vì mẫu xe này có vẻ ngoài thể thao, cứng cáp, đặc biệt là cảm giác lái trên mẫu xe này làm tôi rất thích thú.”
- Anh Vinh (quận 8): “Trong khác mẫu xe bán tải, Hilux 2.8 G 4×4 AT làm tôi cảm thấy rất an tâm vì nó là chiếc xe của thương hiệu Toyota vốn nổi tiếng về chất lượng và khả năng giữ giá tốt.”
Đánh giá tổng quát, ưu và nhược điểm
Phải thừa nhận rằng “Vua bán tải” Ford Ranger đang có ưu thế hơn Hilux về nhiều mặt, từ mức tiện nghi cao cho đến cảm giác lái “bốc” hơn. Tuy nhiên, Hilux vẫn có được chỗ đứng riêng nhờ có giá bán thấp cùng sự bền bỉ thừa hưởng từ truyền thống của hãng xe Toyota.
Tham khảo: bảng giá xe bán tải tại Việt Nam
Ford Ranger 2.0 Bi Turbo | Toyota Hilux 2.8 G 4×4 AT | |
Ưu điểm | cảm giác lái cực “bốc”, mức tiện nghi cao, nhiều tính năng an toàn | giá rẻ, động cơ bền bỉ, nhiều tính năng an toàn |
Nhược điểm | giá cao | cảm giác lái chưa ấn tượng |
Thông số kỹ thuật
Ford Ranger 2.0 Bi Turbo | Toyota Hilux 2.8 G 4×4 AT | |
Động cơ | Bi-Turbo Diesel 2.0L i4 TDCi | 1GD-FTV Diesel 2.8L 4 xy lanh thẳng |
Hộp số | Tự động 10 cấp | Tự động 6 cấp |
Phanh trước | Đĩa | Đĩa thông gió |
Phanh sau | Tang trống | |
Treo trước/sau | Dạng độc lập, tay đòn kép, lò xo trụ và ống giảm chấn/nhíp với ống giảm chấn | Tay đòn kép/nhíp lá |
Cỡ lốp | 265/60R18 | |
Điều hòa | Tự động 2 vùng khí hậu | Tự động |
Dàn âm thanh 6 loa, kết nối Bluetooth, USB | ||
Thông tin giải trí | Màn hình cảm ứng 8 inch, đầu đầu CD 1 đĩa, AM/FM, iPod, công nghệ giải trí SYNC Gen 3 | Đầu DVD, màn hình cảm ứng 7 inch, đàm thoại rảnh tay, kết nối AUX |
An toàn | 6 túi khí, chống bó cứng phanh, phân phối lực phanh điện tử, khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đỗ đèo | |
Cân bằng điện tử, giảm thiểu lật xe, ga tự động, cảm biến trước và sau, kiểm soát xe theo tải trọng, cảnh báo lệch làn và duy trì làn đường, cảnh báo va chạm phía trước, hỗ trợ đỗ xe chủ động song song | Hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, kiểm soát lực kéo, ổn định thân xe, camera lùi, khung xe GOA, dây đai an toàn 3 điểm ELR, 5 vị trí, ghế có cấu trúc giảm chấn thương cổ, cột lái tự đổ, bàn đạp phanh tự đổ |